Friday, September 4, 2020

 

Triết lý Giáo dục Thời Hậu Cộng Sản

                                                                Anthony Tran, PhD

Thưa quý bạn đọc, một trong những ưu tư hàng đầu về nền giáo dục của phụ huynh trong nước Việt nam hiện nay là nền triết lý giáo dục do tập đoàn Cọng sản Việt nam có đầy khe hở do họ chủ trương “đạp đổ nền văn hóa ngàn đời của dân tộc” để xây dựng “con người mới xã hội mới” (Dạ Ngân, 2020). Một xã hội nhân danh là Xã Hội Chủ Nghĩa với đầy thối nát và gian trá “Xạo Hết Chỗ Nói” trong guồng máy cai trị và sự điều hành độc tài, độc tôn về giáo dục “ngu dân” của họ. Để thay thế nền giáo dục ngu dân này thì chúng ta có triết lý giáo dục nào khả dĩ được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội hẳn hơn nền giáo dục của họ? Theo tác giả Dạ Ngân đăng trong điện thư, Internet ngày 22 tháng Tám vừa qua có đưa ra vấn đề này như sau: “Nhìn vào hệ thống giáo dục bị cho là nát bét hiện nay, chúng ta hy vọng gì? ...Thầy cô và học sinh nếu có giũ ra làm lại hết  thì cũng ý thức ấy, tầm văn hóa ấy, những con người ấy, liệu có tốt lên chăng?” (Người Sang Đâu Hết? Đoạn 7, trang 2). Để giúp giải quyết vấn đề này, từ hải ngoại, tôi xin đưa ra một vài ý kiến, hy vọng có thể giúp được phần nào về sự ưu tư của nhiều phụ huynh vào thời hậu cs sẽ ra sao nếu chúng ta “xóa bỏ nền giáo dục ngu dân” theo lời cổ võ của cô Luật sư Trần Kiều Ngọc đăng trên Internet mới đây.

Thưa quý bạn, nhiều người cho rằng nền giáo dục được cho là ngu dân khi trong một quốc gia, nhà cầm quyền chủ trương: Giáo dục là một vũ khí, mà ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào ai đang nắm nó trong tay và với đối tượng nào nó muốn nhắm đến (Trần, Facebook, 2020). Lại nữa, có học giả cho rằng chủ trương mà nhà cầm quyền đang quy hướng toàn thể công dân của quốc gia đó vào trong dốt nát và biến cả một dân tộc trở thành kẻ nô bộc như một sở hữu để sai khiến và bốc lột là trở về thời kỳ “hư học”; hơn thế nữa, nhà cầm quyền đã và đang triệt tiêu trí tuệ, nhân phẩm mà đáng lẽ “Một người Việt cao sang như chúng ta từng ngưỡng mộ, phải đi cùng với thực học, thấm thía triết học văn minh, và yêu nước thương người bằng cả tâm hồn thanh sạch của mình” (Dạ Ngân, 2020). Dựa vào những suy tư và khái niệm của các học giả trên, tôi xin đưa ra một số vấn đề của nền giáo dục mang tính tiến bộ đang được áp dụng tại Hoa kỳ và xét xem có những đặc điểm nào để có thể áp dụng vào chương trình giáo dục cho học đường Việt nam thời hậu cs. Trong khuôn khổ nhỏ bé của trang tham luận này, tôi xin được vắn tắc đưa ra hai điều quan trọng căn bản về giáo dục hiện đại của Hoa kỳ: Những học thuyết áp dụng trong ngành giáo dục và Những tiêu chuẩn làm nền giáo dục.

Những Học Thuyết Áp Dụng Trong Ngành Giáo Dục

Trong những năm gần đây, bộ óc của con người được nghiên cứu cặn kẻ về sự thông minh tự nhiên và về di truyền mà chắc chắn nó ảnh hưởng vào sự học hành của học sinh. Do sự thông minh của con người có liên quan mật thiết với sự thành tựu học vấn của học sinh nên có nhiều học giả như Armstrong, Henson, và Savage (2009), đã đưa ra hai học thuyết có thể áp dụng: Học thuyết Xây dựng (Constructivism), và Thông minh Đa dạng (Multiple Intelligences)

Về Học thuyết Xây dựng: Học thuyết này chủ trương vào nguyên tắc căn bản là cá nhân tự mình không thể nào có được kiến thức nếu không có sự truyền đạt và được hổ tương từ những hoàn cảnh xã hội chung quanh như cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Trong đó, thầy dạy thiết yếu nhất là cha mẹ có tác động hiệu quả mãnh liệt khi truyền đạt cho con em mẫu gương sống về đạo đức, văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, v.v…và ngược lại cũng là cái nôi sản sinh ra những con người nguy hiểm cho xã hội như đảng cs VN đã đang thực hiện là biến thế hệ con em trở thành những công dân “vô nhân tính” mà theo Luật sư Trần Kiều Ngọc là họ “cứ nhồi nhét vào đầu óc trẻ em từ tấm bé” những tư tưởng vô nhân đạo khiến trong gia đình thường xảy ra nạn bạo hành mà ai cũng biết đến câu chuyện con cái đấu tố cha mẹ đến chết của Trường Chinh trong cuộc cải cách ruộng đất vào năm 1954.

Về học thuyết Năng khiếu Đa dạng (Multiple Intelligences). Năm 1999, học giả Howard Gargner xướng xuất chín loại năng khiếu hay tài năng mỗi cá nhân học sinh có thể chiếm lĩnh ít hay nhiều. Đó là năng khiếu lý luận toán học (logical-mathematical intelligence); năng khiếu ngôn ngữ (linguistic intelligence); năng khiếu âm nhạc (musical intelligence); năng khiếu thuộc không gian (spatial intelligence); năng khiếu thể lực (bodily-kinesthetic intelligence); năng khiếu giao cảm (interpersonal intelligence); năng khiếu giao tế (intrapersonal intelligence); năng khiếu nghiên cứu vạn vật (naturalist intelligence); và năng khiếu sinh tồn (existential intelligence). Dựa theo học thuyết này thì học sinh trung học lên đến đại học được dạy với các bộ môn mà họ được tự do chọn lựa và quyết định theo sở thích, nguyện vọng, và nhu cầu xã hội thúc đẩy. Riêng học sinh vườn trẻ, tiểu học, và trung học luôn được hội Phụ huynh giám sát và cộng tác vào trong chương trình giáo dục để sao cho mục đích giáo dục phải phù hợp năng khiếu cho con em của họ. Và mục đích giáo dục của nhà trường phải do hội đồng phụ huynh học sinh quyết định phải theo các tiêu chuẩn căn bản nào là hữu ích nhất cho con em của họ.

Những Tiêu Chuẩn làm Nền cho Giáo Dục

Nền giáo dục hiện tại như Hoa kỳ, luôn bao gồm sáu điểm mấu chốt căn bản và là nền tảng của sự xây dựng nên thành quả xã hội mà công dân của họ luôn nắm chắc trong tay sư phồn vinh, hạnh phúc, và văn minh tiến bộ về mọi mặt. Sáu điều cơ bản giáo dục của họ đang áp dụng bao gồm: nền tảng của xã hội và triết học (social and philosophical foundations), lịch sử (historical foundation), chính trị (political foundation), chương trình giảng dạy (curriculum foundation), cách giáo dục (instructional foundation), và theo pháp luật (legal foundation). Tuy nhiên, tôi xin trích ra một tiêu chuẩn quan trọng trong nền tảng giáo dục, đó là Nền tảng về Học thuyết Xã hội và Triết học (social and philosophical foundations) vì theo tôi, xã hội Việt nam đang gặp sơ hở rất lớn, cần thay đổi.

Nền tảng về Xã hội và Triết học (social and philosophical foundations): Theo các nhà triết học giáo dục cận đại, mọi sinh hoạt con người trong xã hội luôn cần phải “tốt” (good society) và tuân theo những triết lý giáo dục đã được xã hội thừa nhận có căn bản “xây dựng tốt”. Trong đó văn minh, đạo đức, hay nhân phẩm con người luôn được tôn trọng tuyệt đối. Do vậy, họ thường gặt hái những thành công thật tuyệt vời như việc xây dựng những dinh thự chọc trời, xa lộ ngút ngàn, cầu đường thênh thang, v.v.... Trong đó nền tảng Học thuyết Xã hội và Triết học (social and philosophical foundations) đóng vai trò quan trọng không thể tách rời khỏi học đường. Tuy nhiên vì xã hội có sự thay đổi liên tục đã ảnh hưởng dây chuyền cho học đường nên chương trình giáo dục cũng phải theo đó mà thay đổi, nhưng luôn phải tuân theo những triết lý căn bản đã được luật pháp quốc gia thừa nhận cho ngành giáo dục.

Riêng về ý niệm giáo dục trong Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam như Luật sư Trần Kiều Ngọc đã dẫn chứng là, “Căn bản giáo dục của họ bắt buộc phải là một thứ vũ khí, và ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào nhà cầm quyền đang nắm nó trong tay, và với đối tượng nào nó muốn nhắm đến” thì hiển nhiên triết lý này hoàn toàn khác biệt và đầy mâu thuẫn với triết lý giáo dục hiện đại của Phương tây mà điển hình là tại Hoa kỳ luôn lấy nhân bản làm gốc và đạo đức con người làm chuẩn cho nền giáo dục được trích ra từ triết lý của Nguyên tắc Vàng (Golden Rule): Hãy đối xử với tha nhân như mình muốn được đối xử (Treat others as you would like to be treated). Nói cách khác, những điều mình thích người ta làm cho mình thì hãy làm cái đó cho người ta trước đi (Mt 7, 12). Căn cứ vào triết lý này mà nền giáo dục ở Phương tây luôn hưng thịnh và như ở Hoa kỳ luôn dẫn đầu thế giới về khoa học, nghệ thuật, và đạo đức tuyệt vời.

Tóm lại, căn cứ vào lời kêu gọi của Luật sư Trần Kiều Ngọc, “Hãy bỏ hẳn nền giáo dục ngu dân” (Facebook, Aug. 2020) thì trước tiên phải thay đổi cách cai trị độc tài, độc đoán của đảng Cs đang cầm quyền. Chính họ đang phá bỏ luân lý và văn hóa ngàn đời của Việt nam bắt đầu từ chủ tịch nước Việt nam là Hồ c. Minh mà cho đến lúc chết, người dân chưa bao giờ thấy ông ta mặc quốc phục Việt nam; kể cả tế tự, thờ kính ông bà tổ tiên của ông ta. Sự giáo dục của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa đã biến họ trở thành vô gia đình, vô tổ quốc, và vô tôn giáo vô cùng tai hại cho sự bảo tồn nòi giống Tiên Rồng Việt nam. Thời hậu cs, nếu khi có sự thay đổi guồng máy cai trị thì tất nhiên cả hệ thống giáo dục cũng sẽ thay đổi cho dù có thể sẽ xảy ra sự dậm chân tại chỗ như học giả Dạ Ngân đã tiên đoán, “Thầy cô và học sinh nếu có giũ ra làm lại hết  thì cũng ý thức ấy, tầm văn hóa ấy, những con người ấy, liệu có tốt lên chăng?” Từ hải ngoại nhìn về cố quốc, tôi tin những nhà phụ huynh sẽ không bi quan khi thấy con em của họ phải bị “dốt học” mãi mà họ đang cùng nhau đoàn kết tranh đấu cho con em hưởng được nền giáo dục tự do, nhân bản, và dân chủ đích thực như Phương tây, nhưng họ cũng dư hiểu trên hết là họ phải loại bỏ nhà cầm quyền vô tích sự này đi thì tương lai con cháu họ mới có cơ hội thay đổi.

 

Tiến sĩ Anthony Trần (Viết tại San Diego, California, USA, September 3, 2020)